Cách để giữ tâm lý tốt cho bà bầu

Khi bạn mang thai, tâm trạng bạn nhạy cảm hơn rất nhiều so với khi không mang thai. Vui, buồn, tủi thân, lo lắng… đều là những cảm xúc dễ đến hơn với bạn. Theo các nhà nghiên cứu thì tâm trạng của mẹ trong và sau khi sinh có mối quan hệ chặt chẽ đến hình thành nhân cách của bé sau này.

cách giữ tâm lý tốt nhất cho bà bầu

Khi thai phụ có trạng thái tâm lí tốt, tinh thần thoải mái, chức năng của các cơ quan trong cơ thể đều ở trạng thái tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng đảm bảo có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Ngoài ra, nó còn có tác dụng rất lớn đối với việc hình thành nhân cách và tính cách của trẻ sau này. Còn nếu thai phụ bị stress trong khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kì thì nguy cơ bị sẩy thai, bị lưu thai cao hơn 3 - 4 lần, ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi, thần kinh của thai nhi, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ.

Tỷ lệ trẻ em bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi và thói quen, tâm trạng bồn chồn lo lắng, sự rối lọan tâm lý gây thiếu tập trung và hiếu động thái quá,… cũng tăng cao ở các bà mẹ bị stress kéo dài trongthai kì.

Chính vì vậy, nếu bạn giữ vững tâm lý, sống lạc quan, vui vẻ thì sẽ ảnh hưởng tích cực đến cả bạn và em bé đang lớn lên trong bạn đấy. Làm sao để luôn luôn giữ tâm trạng lạc quan? Những gợi ý sau đây có thể giúp bạn điều đó.

1. Chia sẻ

Bạn nên chia sẻ những suy nghĩ của bạn với người thân, bạn bè về những khó khăn vướng mắc phát sinh trong cuộc sống. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên có ích, chia sẻ và giúp đỡ bạn, hoặc ít nhất thì bạn cũng giải tỏa được suy nghĩ về chúng.

2. Đừng khắt khe, hãy đơn giản hóa mọi việc

“Nhân vô thập toàn”, bạn đừng tự đặt ra những “chuẩn” của cuộc sống và đánh giá bản thân hoặc những người xung quanh theo những thang bậc đó. Chúng sẽ tạo nên áp lực cho cuộc sống của bạn, làm bạn có rất nhiều “sự không thỏa mãn”. Hãy nghĩ rằng ai cũng có “gót chân asin” và đừng quá hà khắc với những điểm yếu đó.

3. Giữ hòa khí trong gia đình

Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tâm trạng của các thành viên trong gia đình. Bạn nên chủ động điều tiết tâm trạng của mình mặc dù chúng rất nhạy cảm trong giai đoạn này. Điều này giúp các thành viên trong gia đình không bị áp lực, bối rối và lo lắng thêm vì bạn. Nếu có phát sinh bất hòa, “rắc rối”, bạn cũng nên chủ động “làm lành” để giảm tải áp lực nhé.

4. Tự chăm sóc bản thân nhiều hơn

Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí…nhiều hơn. Hãy lên kế hoạch thời gian biểu cho những công việc cần làm, ưu tiên những việc cần làm trước và dành những khoảng thời gian nhất định để thư giãn và chăm sóc bản thân.

cách giữ tâm lý tốt nhất cho bà bầu

Thư giãn bằng cách đi dạo, nghe nhạc, làm những công việc yêu thích (làm đồ handmade, làm bánh…). Cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự quan tâm chăm sóc của chồng nhé. Có thì tốt, mà không thì tự mình chăm sóc mình cũng chẳng sao.

5. Bằng lòng với những gì mình đang có

Nếu bạn cứ nhìn xung quanh và so sánh thì bạn sẽ luôn cảm thấy mình thua kém và nảy sinh lòng đố kỵ. Bạn còn nhiều thời gian để thực hiện những kỳ vọng của mình sau khi sinh con mà. Trong giai đoạn này, bạn ưu tiên mục tiêu “mẹ tròn con vuông” nhất, những mục tiêu khác “hãy cứ từ từ”.

6. Sống lạc quan, thiện chí và “luôn nở nụ cười”

Ai cũng có điều phải lo, nhưng nếu bạn có suy nghĩ lạc quan thì những mối lo ấy sẽ nhẹ nhàng đi. Thay vì âu sầu với những vấn đề “nan giải”, bạn nên nghĩ ra những giải pháp để ứng phó và làm ngay lập tức. Chẳng hạn như trao đổi với “sếp” hoặc đồng nghiệp rằng công việc này bạn không thể thực hiện trong giai đoạn này, bạn cần hỗ trợ, cần lời khuyên, hướng đi và giải pháp để giải quyết chúng với thái độ thiện chí.

Thay vì lo lắng về các vấn đề liên quan đến thai nhi trong bụng thì bạn nên nghĩ tích cực rằng em bé đang bình thường như bao bé khác.

7. Tập thể dục nhẹ nhàng

Bạn hãy tập thể dục khi mang thai như: đi bộ, đi bơi, tập yoga… theo sự hướng dẫn của các chuyên gia để giữ cân bằng tâm lý.

8. Thiết lập thói quan ăn uống lành mạnh

Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp bạn cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.

Hy vọng những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn giữ vững tâm lý, có tâm trạng vui vẻ và lạc quan trong suốt giai đoạn mang bầu. Hãy nhớ “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nhé!

Comments

Popular posts from this blog

Để lựa chọn đồ chơi trẻ em cần chú ý tác dụng của chúng

Kem chống rạn happy avent

5 cấm kỵ khi nuôi con bằng sữa mẹ